Tìm
English
Thứ tư, 02/05/2018 - 10:18

Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin về hội thảo "Xây dựng chính sách tài chính đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp"
(TBTCO) - Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) đổi mới sáng tạo (ĐMST) cần được hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, tiếp cận vốn, thị trường. Theo đó, việc xây dựng và sửa đổi hành lang pháp lý, chính sách tài chính để thu hút nhà đầu tư, các quỹ sẵn sàng hỗ trợ DNKN là yêu cầu cấp thiết.

PGS.TS Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia”.

Cần cơ chế tài chính đặc thù cho DNKN

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, chương trình quốc gia khởi nghiệp được bắt đầu từ năm 2016. Cũng trong năm này, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có trên 110.000 DN thành lập mới, với số vốn đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Làn sóng khởi nghiệp đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. Hiện tại, cả nước có hơn 600.000 DN hoạt động chính thức theo Luật DN cùng với khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh.

Theo PGS.TS Lý Phương Duyên, giảng viên Khoa Thuế, Hải quan (Học viện Tài chính), thời gian gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với động lực chính đến từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các DNKN và các nhà đầu tư. Với vai trò thiết kế và thực thi pháp luật, Chính phủ là tác nhân có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến hệ sinh thái khởi nghiệp và một trong những công cụ để Chính phủ tác động đến hệ sinh thái khởi nghiệp chính là hệ thống chính sách thuế.

Nhưng bất cập hiện nay, mới chỉ có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ban hành năm 2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Mặc dù, trong luật quy định về việc hỗ trợ thuế, kế toán cho DN nhỏ và vừa nhưng chưa có quy định nào đối với DNKN, trong Nghị định 39 cũng không đề cập đến. Chính sách thuế cũng chưa có phân biệt theo hướng dành ưu đãi cao hơn cho các DNKN, hiện áp dụng thuế suất thuế TNDN phổ thông như DN khác là 20%.

Đồng thời, chưa có quy định chính sách thuế phân biệt đối với nhà đầu tư vào DNKN khi chuyển nhượng vốn, chính sách thuế chưa quy định cho phép nhà đầu tư bù trừ lỗ vào việc đầu tư vào một số DNKN. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào DNKN...

Hiện tại, cơ chế chính sách đặc thù cho vườn ươm mới đang trong giai đoạn áp dụng thí điểm, áp dụng đối với vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.Cần Thơ, chưa được áp dụng rộng rãi cho các đối tượng là vườn ươm nói chung.

PGS.TS Lý Phương Duyên khuyến nghị, để ban hành quy định về chính sách tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng có tính chất đặc thù đối với nhóm đối tượng này, có thể vận dụng những kết quả đạt được từ việc thí điểm đối với vườn ươm tại Cần Thơ để phát triển cho tất cả các vườn ươm trên toàn quốc như: Miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được; công nghệ trong nước chưa tạo ra được...

 Toàn cảnh hội thảo

Đối thoại tháo gỡ về chính sách (như gỡ vướng mắc về thủ tục kinh doanh, thuế…) là rất cần thiết, nhưng quan trọng nhất là tạo điều kiện để DNKN ĐMST. Trong đó, hoạt động đầu tư cho DN ĐMST ở Việt Nam nên được thực hiện theo phương thức các bên cùng có lợi. Vì vậy, rất cần quy định có tính đặc thù để hỗ trợ các nhà đầu tư, các đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp, từ đó phát triển DNKN nhằm nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dưới góc nhìn chính sách, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành chia sẻ, khởi nghiệp sáng tạo sẽ tăng trưởng nhanh, nhưng sáng tạo rủi ro lớn; khởi nghiệp sáng tạo là thất bại (chiếm 95%) và thường có chu kỳ 1 - 3 năm. Trọng tâm của khởi nghiệp là thị trường và trò chơi kinh doanh, vì vậy phải đánh giá loại hình hỗ trợ đến đâu, bởi trung tâm là thị trường chứ không phải Nhà nước. 

Sự hỗ trợ của các quỹ là rất cần thiết

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, ngoài việc tháo gỡ về thủ tục kinh doanh, lĩnh vực thuế..., hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và sự đổi mới mạnh mẽ về mặt thể chế tài chính (kể cả chi trực tiếp hay chi qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), Quỹ Phát triển các DN nhỏ và vừa…) với các DNKN và khởi nghiệp ĐMST là vô cùng cần thiết, cấp bách.

Việt Nam muốn khai thác các cơ hội, tiềm năng to lớn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng mở rộng, đồng thời để chủ trương Chính phủ kiến tạo có thể hiện thực hóa thành những hành động thực tiễn, giúp đem lại niềm cảm hứng sáng tạo và sự an toàn hơn cho những DN dấn thân vào khởi nghiệp sáng tạo, rất cần cơ chế hỗ trợ vốn từ các quỹ.

Theo PGS.TS Bùi Văn Vần, Trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính), khả năng huy động vốn của DNKN còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách tài chính của Nhà nước. Một chính sách thuế theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN mới thành lập sẽ tăng nhanh khả năng tích luỹ vốn. Đồng thời, việc triển khai các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất, hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ giúp DN mới thành lập giải quyết bài toán huy động vốn, là tiền đề để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật - công nghệ, triển khai các dự án đầu tư và ý tưởng kinh doanh mới, mở rộng quy mô hoạt động một cách nhanh chóng.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ lý giải, về chương trình hỗ trợ, hiện có các quỹ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính..., nhưng vẫn còn khó tiếp cận. Hiện nay, người quản lý quỹ, quản lý các trung tâm khởi nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu làm thất thoát quỹ, tùy theo mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nút thắt ở đây, theo ông Quất, cần xây dựng chế tài thông thoáng để quản lý các nguồn quỹ, kể cả quỹ tư nhân.

Bên cạnh đó, để phát triển, các DNKN cần sự hỗ trợ từ nhiều thành phần xã hội như: Viện nghiên cứu, trường đại học, các vườn ươm... Đặc biệt, xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế tài chính đặc thù, để thời gian tới các DNKN sáng tạo được hưởng các chính sách ưu đãi và tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng./.

Thời báo Tài chính Việt Nam
Số lần đọc: 253

Danh sách liên kết