Tìm
English
Thứ bảy, 29/12/2018 - 10:46

Kế toán trong thời đại công nghệ 4.0 – Góc nhìn thực tế của sinh viên chuyên ngành kế toán - Học viện Tài chính
Chiều ngày 20/12/2018, tại Hà Nội, Học viện Tài chính và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) phối hợp tổ chức sự kiện “Sinh viên Học viện Tài chính - Sáng tạo và nắm bắt cơ hội cùng ACCA và các đối tác”. Một chuỗi các hoạt động của sự kiện, bao gồm lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đó là: Deloitte Việt Nam, EY Việt Nam, KPMG Việt Nam, PwC Việt Nam, Hãng kiểm toán AASC, Công ty RSM Việt Nam.

Các doanh nghiệp cam kết có các hoạt động cùng ACCA và Học viện Tài chính hỗ trợ vì sự phát triển của ngành nghề kế toán tài chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam nói chung và của Học viện Tài chính nói riêng. Thỏa thuận hợp tác sẽ mang đến cơ hội định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên của Học viện Tài chính ngay từ những năm học đầu tiên và ACCA cũng như doanh nghiệp sẽ sát sao với các em trong 4 năm học, chia sẻ thực tế nghề; việc áp dụng kiến thức học tại trường vào các công việc cụ thể tại doanh nghiệp; mang đến cơ hội trải nghiệm tại doanh nghiệp và cơ hội thực tập, làm việc tại doanh nghiệp trong tương lai.

Cô và trò lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20) tại HT 103 – Học viện Tài chính. Ảnh: SV lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20)

Nằm trong khuôn khổ của của chuỗi sự kiện, cô Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng của IBM, Hội viên kỳ cựu của ACCA đã có bài Báo cáo thực tế với chuyên đề “Vai trò của IT trong kế toán doanh nghiệp” trước 451 sinh viên năm 4, chuyên ngành kế toán – kiểm toán của Học viện Tài chính. Điểm đáng chú ý trong sự kiện là cô Nguyễn Thị Thủy sẽ thuyết trình tại phòng Studo được trang bị rất hiện đại của Học viện tài chính, tại phòng Studo đó nội dung thuyết trình của cô Thủy sẽ được truyền trực tuyến đến 7 phòng học, nơi có 451 sinh viên tập trung lắng nghe và được truyền trực tiếp đến hệ thống máy chiếu tại từng phòng học. Sự tương tác giữa Thuyết trình viên và sinh viên được tương tác trực tuyến. Để cho buổi tìm hiểu thực tế của các em sinh viên đạt hiệu quả cao hơn, tại từng phòng học đồng hành cùng các em sinh viên có các giảng viên chuyên ngành của Học viện định hướng cho các bạn sinh viên cách tiếp cận kiến thức thực tế. Với chất lượng âm thanh và hình ảnh đạt chất lượng cao tại từng phòng học, sinh viên chúng em thật sự bị cuốn hút vào nội dung bài giảng, vào sự tự tin và phong cách thuyết trình của cô Thủy tại buổi chiều hôm đó.   

Cô và trò lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20) tại HT 103 – Học viện Tài chính.

Ảnh: SV lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20)

Qua buổi chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thủy - Kế toán trưởng IBM Việt Nam, đã giúp chúng em đã có cách nhìn mới về vai trò của công nghệ thông tin đến ngành nghề kế toán, kiểm toán. Dưới đây là tổng hợp của tập thể sinh viên lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20), đồng hành cùng tập thể lớp là Giảng viên, TS. Đỗ Minh Thoa – Khoa Kế toán, Học viện Tài chính tại Phòng 103, về góc nhìn của sinh viên chuyên ngành kế toán về vai trò của kế toán trong thời đại công nghệ 4.0 sau khi tham gia chuỗi sự kiện và buổi báo cáo thực tế hôm đó:

Thứ nhất, công nghệ thông tin đã góp phần làm thay đổi toàn diện lĩnh vực kế toán thể hiện rõ nhất ở phương thức xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin kế toán có những bước nhảy vọt so với quy trình xử lý kế toán thủ công trước đây.

Nền tảng công nghệ của tự động nhận thức đó là:

+ Học máy (machine Learning) - một lĩnh vực phát triển của khoa học máy tính, nơi các thuật toán học bằng các phương pháp thống kê kết hợp với các bộ dữ liệu và siêu dữ liệu liên quan.

+ Học chuyên sâu (Deep Learning) - Những tiến bộ trong các mạng thần kinh được con người đào tạo để nhận thức các khái niệm trìu tượng trong văn bản, hình ảnh, âm thanh,…

+ Điện toán đám mây (Clound computing) – khả năng truy cập vào máy tính hiệu năng cao và chi phí thấp từ bất kỳ thiết bị nào.

+ Dữ liệu lớn và mạng xã hội (Big Data & Social Media) – Các tập hợp dữ liệu lớn bao gồm các ngữ cảnh con người được thu thập thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Dữ liệu lớn mang lại cho con người sự tiếp cận với nguồn kiến thức vô hạn, giúp con người có thể tìm hiểu bất kỳ điều gì cần biết nhưng có hạn chế là những thông tin không chính thống. Nó khiến chúng ta phải cẩn trọng khi tiếp cận với thông tin và sử dụng thông tin.

Với trí tuệ nhân tạo có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu nhưng những công đoạn như phân tích, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể thậm chí cho những tình huống chưa hề xảy ra thì luôn cần có sự tham gia của con người. Trí tuệ nhân tạo dù không thay thế được con người nhưng nó đang làm thay đổi môi trường, hoàn cảnh làm việc của kế toán kiểm toán.

Như vậy, trong cuộc cách mạng 4.0 khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc kế toán-kiểm toán thì những người làm trong lĩnh vực này phải hiểu rõ về kiến thức chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những thay đổi.Bên cạnh đó cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp người làm nghề kế toán – kiểm toán. Điều đó sẽ góp phần hình thành và phát triển kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm và tầm nhìn cho các kế toán và kiểm toán viên.

Sinh viên lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20) tại HT 103 – Học viện Tài chính.

Ảnh: SV lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20)

Thứ hai, một số lợi ích của việc ứng dụng CNTT vào kế toán qua các góc độ:

+ Lợi ích về thu nhận dữ liệu: Kế toán trong môi trường CNTT đa dạng về nội dung, hình thức và thao tác nhập liệu. Về nội dung thu thập, từ dữ liệu kế toán chủ yếu là dữ liệu tài chính nay đa dạng hơn nội dung thu thập cả tài chính và phi tài chính.

+ Hình thức thu thập kế toán: Ngoài cách thức thu thập thông qua chứng từ, điện thoại, fax còn có thể sử dụng hỗ trợ của thiết bị như: Máy quét mã vạch, trao đổi dữ liệu điện tử, dữ liệu lấy từ hệ thống khác, chứng từ điện tử. Ngoài nhập liệu kế toán qua bàn phím, kế toán còn được hỗ trợ kỹ thuật nhập khẩu dữ liệu một cách nhanh chóng.

+ Lợi ích xử lý dữ liệu: Việc thiết kế HTTTKT theo hướng mở cho phép tích hợp với các hệ thống khác trong toàn DN như: Một bút toán thay đổi có thể ảnh hưởng đến hệ thống kế toán nói riêng và toàn hệ thống nói chung, ngược lại xử lý kế toán cũng được cập nhật khi các phân hệ khác thay đổi như: bán hàng, mua hàng, nhân sự, sản xuất…

Một số chức năng được thực hiện tự động bằng robot automation. Các bút toán lặp đi lặp lại và tốn công sức của con người thì máy móc đã hỗ trợ rất hiệu quả, nâng cao công tác quản trị giảm thiểu sai sót khi làm bằng thủ công.

+ Lợi ích cung cấp thông tin: Với hệ HTTTKT, việc cung cấp hỗ trợ ra quyết định đa dạng, nhanh chóng chính xác trên các mặt: Nội dung, hình thức, thời gian và đối tượng cung cấp và sử dụng thông tin. Thông tin cung cấp bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính. Thông tin được cung cấp thống nhất, đầy đủ và liên tục. Do tổ chức dữ liệu mang tính tập trung nên cho phép cung cấp thông tin ở nhiều mức độ khác nhau: Hệ thống thông tin kế toán cũng thực hiện một cách linh hoạt tùy theo đối tượng và đa dạng về hình thức, đồng thời có thể truy xuất từ nhiều nơi khác nhau nhờ công nghệ điện toán đám mây…

Việc áp dụng CNTT vào kế toán giúp cho quá trình kế toán trở nên thuận tiện hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tiết kiểm thời gian, sức lực cho quá trình xử lý bằng việc sử dụng các hệ thống quản trị EPR hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo Watson Analytics, Robot Automation….

Thứ ba, AI có thể làm những công việc thủ công của kế toán, kiểm toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu, tuy nhiên với các công đoạn như phân tích, xử lý tình huống thì luôn cần có sự tham gia của con người. Có thể đánh giá, AI dù không thay thế được hoàn toàn con người nhưng nó đang làm thay đổi rất lớn đến môi trường, hoàn cảnh, hiệu quả của hoạt động kế toán, kiểm toán. Ví dụ, Deloitte đã bắt đầu ứng dụng AI trong việc kiểm toán: tổng hợp dữ liệu từ các hợp đồng, xác định các điều khoản liên quan để kiểm tra xử lý kế toán như ngày bắt đầu hợp đồng, số tiền thanh toán, các điều khoản gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng. Bằng cách tự động hóa các quy trình này, nhân viên của Deloitte có thể làm việc nhanh hơn với hiệu suất cao hơn, hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Hay tại KPMG International đã dạy cho máy tính IBM Waston để hỗ trợ công việc kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn dịnh vụ hỗ trợ khách hàng như The KPMG Contract Abstraction Tool giúp tự động hóa việc trích xuất dữ liệu hợp đồng thuê tài sản của khách hàng ; ứng dụng IBM Watson Explorer-một nền tảng phân tích nọi dung và thăm dò nhận thức để xác định xu hướng, chọn mẫu kiểm toán, tìm kiếm sự bất thường và phân tích các mối quan hệ bên trong dữ liệu đó nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của Kiểm toán viên.

Theo như Cô Nguyễn Thu Thủy – Kế toán trưởng của IBM Việt Nam đã chia sẻ tại Học viện Tài Chính ngày 20/12/2018 rằng: AI vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho nghề kế toán - kiểm toán. AI sẽ giúp KTV làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, xử lý khối lượng công việc lớn hơn. Khi các công việc mang nặng tính quy trình đã được tự động hóa, KTV có thể tập trung hơn vào các công việc tạo ra giá trị. Các chuyên gia kiểm toán sẽ hướng tới việc trở thành các cố vấn kinh doanh, tận dụng sự sáng tạo – điều mà AI, robot chưa có được, để phát triển các nội dung mang tính chiến lược hơn. KTV sẽ tận dụng input data thu được từ robot, AI để đánh giá, dự báo các rủi ro, các cơ hội một cách toàn diện hơn. Các công việc mới dành cho ngành kế toán cũng sẽ dần xuất hiện, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng phát triển và quản trị sự thay đổi mang lại hiệu quả tức thời cho doanh nghiệp. 
Và tất nhiên, sự phát triển của công nghệ mới sẽ luôn đi kèm với những vấn đề mới phát sinh. Chẳng hạn, khi khối lượng công việc lớn hơn được thực hiện bởi phần mềm, thuật toán, robot, AI, KTV sẽ phải chịu trách nhiệm rà soát tính chính xác của các kết quả bởi sẽ luôn có khả năng xảy ra lỗi trong qua trình AI, robot hoạt động.

Thứ tư, chúng em đã có nhận thức thực tế về tổ chức công tác kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 tại Công ty IBM Việt Nam như sau:

- Về bộ máy kế toán của IBM tại Việt Nam: Tổ chức theo mô hình quản lý tập trung tại các COE (Center of Excellent). Tại Việt nam, coó bộ phận Tài chính - Kế toán tại Việt Nam phục vụ tính tuân thủ quy định Việt Nam. Tích hợp kế toán tài chính và kế toán quản trị phục vụ việc ra quyết định kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

- Về quy trình kế toán, chính sách quản lý tài chính:

+ Quy trình kinh doanh được tích hợp với quy trình quản trị nội bộ được hướng dẫn thực hiện các chính sách kế toán chặt chẽ.

+ Hệ thống tài khoản theo hệ thống tài khoản tập đoàn và được chuyển đổi sang chế độ kế toán Việt Nam do bộ phận kế toán tại Việt Nam thực hiện.

+ Chứng từ kế toán được lưu giữ trên hệ thống CMS (Content Management System) và các hệ thống lưu giữ khác tự động tích hợp với từng hệ thống quản trị nội bộ, dễ dàng truy xuất, tìm kiếm phục vụ thanh tra, kiểm toán.

+ Hệ thống báo cáo tự động ứng dụng Cognos, IBM analytics và các hệ thống hỗ trợ khác giúp cung cấp thông tin cho nhà quản trị để có các quyết định kinh doanh kịp thời.

+ Báo cáo tài chính được phát hành chính thức theo chế độ kế toán Việt Nam và được kiểm toán hàng năm bởi PWC Việt Nam.

 

Ngày nay, khi cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển và đó chính là thời cơ cũng là thách thức với ngành kế toán, kiểm toán. Các kế toán viên, kiểm toán viên hay là các doanh nghiệp dịch vụ kế toán kiểm toán sẽ thua thiệt nếu không thay đổi tư duy, không đổi mới cách cung cấp dịch vụ, không vận dụng công nghệ, không hội nhập toàn cầu. Nhân lực số trong cuộc cách mạng 4.0 là việc ứng dụng các công việc số thực hiện các công việc mà con người đang phải thực hiện. Trong đó, lao động kỹ thuật số sẽ bằng công nghệ nhận thức cộng với công việc kỹ thuật số. Công nghệ nhận thức hay còn gọi là Trí tuệ nhận tạo mô phỏng cách mà con người cảm nhận học, lý giải và phản ứng .           

Khi công cụ sử dụng phần mềm tự động truyền thống chuyển sang các nền tảng nhận thức mới làm cho hệ thống tự động, thông minh hơn và giúp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, là đòn bẩy nâng cao kiến thức con người. Khi mà khả năng truy cập vào máy tính với mạng internet sẽ giúp cho công việc của các kế toán và các kiểm toán viên không bị giới hạn bởi địa lý, các kế toán viên có thể thực hiện các công việc kế toán- kiểm toán ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngược lại, các kế toán – kiểm toán viên ở bất kỳ quốc gia nào được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều có thể thực hiện công việc kế toán-kiểm toán tại doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính điều này tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho những ai hành nghề kế toán-kiểm toán tại Việt Nam. Đó là phải cải thiện năng lực cũng như điều kiện của bản thân để có thể đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề.

Là những sinh viên chuyên ngành kế toán, được đào tạo ở Học viện uy tín hàng đầu ở Việt Nam, chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, đang đứng trước ngưỡng cửa bước vào thế giới công nghệ 4.0, chúng em cảm nhận rất rõ sứ mệnh của mình. Với kiến thức lý thuyết được đào tạo bài bản, khoa học và toàn diện tại Học viện Tài chính, đó là hành trang, là sự tự tin, là niềm tin để chúng em nắm bắt cơ hội trước thời đại công nghệ đó. Bài thuyết trình của cô Nguyễn Thị Thủy đó là cú hích thêm niềm tin và sự đam mê cống hiến, nhiệt huyết của tuổi trẻ chúng em đối với sự nghiệp trở thành những chuyên gia kế toán, kiểm toán, chuyên gia tài chính trong tương lai, nắm bắt vận mệnh của Tổ quốc hòa nhập với sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế!   

Chúng em xin trân trọng cảm ơn Ban giám đốc của Học viện tài chính, Trân trọng cảm ơn Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) đã hợp tác để tổ chức sự kiện “Sinh viên Học viện Tài chính - Sáng tạo & Nắm bắt cơ hội cùng ACCA và các đối tác” ngày 20 tháng 12 năm 2018 tại Học viện Tài Chính!

Chúng em xin trân trọng cảm ơn những nhà lãnh đạo của Deloitte Việt Nam, EY Việt Nam, KPMG Việt Nam, PwC Việt Nam, Hãng kiểm toán AASC, Công ty RSM Việt Nam đã mang đến cơ hội định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên của Học viện Tài chính!

Chúng em xin trân trọng cảm ơn cô Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng của IBM, Hội viên kỳ cựu của ACCA và đồng sự đã có bài Báo cáo thực tế ý nghĩa đối với sinh viên chúng em!

Chúng em xin trân trọng cảm ơn Giảng viên, TS. Đỗ Minh Thoa – Khoa Kế toán, Học viện Tài chính đã đồng hành cùng tập thể lớp tại Hội trường 103!

Cuối cùng, chúng em xin trân trọng cảm ơn Ban tổ chức và các thầy cô giáo đã góp sức để sự kiện trên diễn ra thành công tốt đẹp và vô cùng ý nghĩa, thiết thực đối với sinh viên chúng em!

Tập thể sinh viên lớp CQ 53.21.11 và CQ 53.21.12 (1-20). Giảng viên, TS. Đỗ Minh Thoa – Khoa Kế toán, Học viện Tài chính tại Phòng 103
Số lần đọc: 19102

Danh sách liên kết