Tìm
English
Thứ tư, 22/05/2024 - 11:1

Cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn đa dạng sinh học
(HVTC) - Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, Học viện Tài chính kêu gọi toàn thể viên chức, người học tích cực nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, các giá trị của đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và hành động cụ thể để ttham gia bảo tồn, giữ gìn đa dạng sinh học, thực hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên.

Vì sao phải giữ gìn đa dạng sinh học?

Giữ gìn, bảo vệ đa dạng sinh học để bảo vệ sự sống và phát triển bền vững

Đa dạng sinh học đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, vùng lãnh thổ và trong đời sống của mỗi cá nhân. Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống và quyết định trong mọi phát triển của loài người trên Trái Đất và mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Đa dạng sinh học là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hình thức của sự sống trên trái đất và các thuộc tính tự nhiên của chúng. Đa dạng sinh học mà chúng ta thấy hôm nay là kết quả của một quá trình tiến hóa qua hàng tỷ năm, được hình thành bởi quá trình tự nhiên và ngày càng gia tăng, do ảnh hưởng của con người. Đa dạng sinh học cũng là sự kết hợp của các hình thức sống và tương tác với nhau và với phần còn lại của môi trường, từ đó làm cho trái đất trở thành một nơi sinh sống độc đáo cho con người. Đồng thời, nó cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ giúp duy trì cuộc sống của chúng ta.

Đa dạng sinh học được xem xét theo 3 mức độ:

Giữ gìn, bảo vệ đa dạng sinh học là trách nhiệm của mỗi người trên toàn thế giới

Đa dạng sinh học ở cấp loài bao gồm toàn bộ các sinh vật sống trên Trái Đất, từ vi khuẩn đến các loài thực, động vật và các loài nấm.

Ở cấp quần thể đa dạng sinh học, gồm sự khác biệt về gen giữa các loài, khác biệt về gen giữa các quần thể sống cách ly nhau về địa lý cũng như khác biệt giữa các cá thể cùng chung sống trong một quần thể.

Đa dạng sinh học còn bao gồm cả sự khác biệt giữa các quần xã mà trong đó các loài sinh sống và các hệ sinh thái, nơi mà các loài cũng như các quần xã sinh vật tồn tại và cả sự khác biệt của các mối tương tác giữa chúng với nhau.

Tuy nhiên, tình trạng suy giảm đa dạng sinh học hiện nay đã trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu phần lớn là kết quả của hoạt động của con người và đây chính là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Theo thống kê của các nhà khoa học, con người là một trong số 100 triệu loài sinh vật đang sống trên hành tinh. Sự đa dạng của các loài sinh vật - trong đó có con người tạo nên một mạng lưới thiên nhiên an toàn giúp xã hội loài người có thể đương đầu, thích ứng với biến động của tự nhiên, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đa dạng sinh học đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Bằng các hoạt động của mình, con người đã phá hủy hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần... Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, con người đã làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên. Tổng cộng có trên 17.000 loài được biết đến đang có nguy cơ tuyệt chủng. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát. Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn bởi có rất nhiều loại động, thực vật đã bị tuyệt chủng từ lâu trước khi con người biết đến. 

 Sự suy giảm đa dạng sinh học đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm, cơ hội thưởng thức các hình thức giải trí và tham quan, cũng như đe dọa đến việc cung cấp các nguồn tài nguyên gỗ, các loại thuốc và năng lượng của chúng ta. Nó cũng gây trở ngại cho các chức năng sinh thái thiết yếu cho đời sống nhân loại. Mặc dù có không ít nỗ lực khắc phục những hạn chế trên được thực hiện trong suốt nhiều năm qua, song sự mất mát đa dạng sinh học trên thế giới vẫn tiếp tục phá hủy môi trường sống, chủ yếu là tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm... Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhận định, trong 100 năm qua, hơn 90% các giống cây trồng đã biến mất khỏi các cánh đồng, trang trại. Một nửa số giống vật nuôi đã bị mất. Hiện nay, tại tất cả ngư trường chính trên thế giới, các loài thủy sản đang bị đánh bắt ở mức tới hạn và nhiều loài không đảm bảo sự phát triển bền vững. Các hệ thống sản xuất thực phẩm truyền thống, bao gồm cả kiến ​​thức bản địa và văn hóa truyền thống, với sự phong phú đa dạng ở các địa phương đang bị đe dọa. Sự suy giảm đa dạng sinh học nông nghiệp cũng như là kiến ​​thức về y học cổ truyền và thực phẩm địa phương ngày càng tăng và lan rộng trên toàn cầu. Việc mất chế độ ăn uống đa dạng có liên quan trực tiếp đến các bệnh hoặc tăng các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, béo phì và suy dinh dưỡng và có tác động trực tiếp đến sự mai một của các bài thuốc truyền thống từ tự nhiên khi con người quá lệ thuộc vào các loại thuốc tổng hợp.

Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”

Thông điệp Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024

Từ năm 2000, ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Đây là dịp để phản ánh trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ di sản quý giá này cho các thế hệ tương lai.

 Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF và Hội nghị các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 01/11/2024 tại thành phố Cali, Colombia.

Việt Nam có vùng Đa dạng sinh học cao trên thế giới. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen của Việt Nam. Một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận về giá trị tự nhiên phổ quát duy nhất của chúng, bao gồm 3 di sản thiên nhiên, 2 công viên địa chất toàn cầu, 9 khu bảo tồn sinh quyển và 2 khu đất ngập nước nằm trong 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bảo tồn Đa dạng sinh học không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển

Các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế và văn hoá của đất nước, thể hiện ở các giá trị chính là bảo vệ thiên nhiên và môi trường; giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, xã hội. Đa dạng sinh học đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối đe doạ tới đa dạng sinh vật ở Việt Nam. Việc gia tăng dân số và mức tiêu dùng là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên sinh vật. Sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên, chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã. Việc xây dựng nhiều đập nước đã ngăn chặn đường di cư của nhiều loài cá. Rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều và vẫn tiếp tục bị suy giảm. Mất rừng và suy thoái rừng là những lý do chính gây nên suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Từ đầu những năm 1960, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách bảo tồn Đa dạng sinh học. Từ đó đến nay, hệ thống các văn bản  pháp luật liên quan được tiếp tục bổ xung và hoàn thiện. Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.

Việt Nam quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cả về quy mô, tần suất và mức độ, đã tác động trực tiếp đến Đa dạng sinh học.

Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định việc bảo tồn Đa dạng sinh học không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển. Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 thực hiện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng hành động!!!

 Phát triển kinh tế phải đảm bảo các yếu tố về môi trường

Hưởng ứng Ngày quốc tế  Đa dạng sinh học năm 2024, là cơ hội để toàn thể viên chức, người học của Học viện chung tay góp sức ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật. Đồng thời, là dịp để phản ánh trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ di sản quý giá này cho hôm nay và cho các thế hệ tương lai, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng và cho chính mỗi chúng ta. Chúng ta hãy quyết tâm làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, dành chiến thắng trong cuộc đua chống lại sự tuyệt chủng của các loài sinh vật, hướng tới sự sống bền vững thịnh vượng trên trái đất. Đa dạng sinh học là sự sống, đa dạng sinh học chính là cuộc sống của chúng ta.

 ESG là tiêu chí quan trọng trong phát triển kinh tế

Không tiếp tay, cùng lên án, ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã; tuyên truyền và tích cực bảo vệ, tôn trọng các phong tục, tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các khu vực được công nhận Di sản thiên nhiên.

 Đội thi Visionaries, sinh viên Học viện Tài chính nhận giải Nhất trong cuộc thi ESG Challenge 2023 “Quản trị Công ty hướng tới Phát triển Bền Vững” – Vietnam ESG Challenge 2023 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội (tại vòng Chung kết ngày 2/12/3023)

Tích cực ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý con đường du nhập hoặc diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại. Tích cực nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học thông qua các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và nhất là hướng tới đảm bảo các tiêu chí ESG ...

ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành. 

Environmental (Môi trường) Khía cạnh môi trường của ESG liên quan đến cách thức hoạt động của một doanh nghiệp hoặc tổ chức với tư cách là người quản lý môi trường tự nhiên, tập trung vào tất cả khía cạnh của tính bền vững, bao gồm chất thải và ô nhiễm, khai thác tài nguyên, phát thải khí nhà kính, phá rừng, biến đổi khí hậu…

Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng nếu không hành động có trách nhiệm với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu, họ sẽ làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu, khiến không chỉ hành tinh của chúng ta mà cả khả năng hoạt động của họ gặp rủi ro. Thay vì coi tác hại môi trường là hậu quả tất yếu của hoạt động kinh doanh, họ trở thành một phần của giải pháp.

Social (Xã hội): Trong ESG, tiêu chí xã hội xem xét tác động của hoạt động của một tổ chức đối với lao động và nhân quyền của nhân viên và các thành viên khác trong cộng đồng, bao gồm điều kiện làm việc, trả lương ngang bằng và tạo môi trường hòa nhập…

Khía cạnh môi trường của ESG thường có thể vượt trội hơn các khía cạnh xã hội hoặc quản trị vì tác động của một tổ chức đối với môi trường có thể dễ dàng định lượng hơn. Tuy nhiên, tác động của tổ chức đối với người lao động và nhân viên là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm.

Governance (Quản trị): Khía cạnh quản trị của ESG nhằm mục đích xác định cách một công ty tự xây dựng chính sách hoặc cách họ được quản lý. Nỗ lực xã hội và môi trường được coi là một phần của hoạt động kinh doanh hàng ngày và báo cáo ESG đang ngày càng trở nên quan trọng đối với mô hình kinh doanh vì nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro và tăng trách nhiệm giải trình của công ty. Sự quan tâm của nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và những bên liên quan khác đối với lĩnh vực ESG đã dẫn đến việc báo cáo phát triển bền vững dần trở thành tiêu chuẩn đối với các công ty hiện nay.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 506
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết