Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 2 năm 1930 là một trong những mốc son vĩ đại của lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành lại được nền độc lập trong cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Tiếp đó, Đảng đã dẫn dắt dân tộc giành những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hiện nay là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi đã khẳng định bản lĩnh và công lao của Đảng.
Công tác giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Do đó, Đảng ta đã luôn đưa ra những quan điểm chỉ đạo sâu sắc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000” đã xác định nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là: nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc; công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; giữ gìn và phát huy các giá trị vǎn hoá của dân tộc, có nǎng lực tiếp thu tinh hoa vǎn hoá nhân loại; phát huy tiềm nǎng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ nǎng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức kỷ luật; có sức khoẻ, là những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời dặn của Bác Hồ.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 01/2016), Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc giá dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên, trong đó nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực.”.
Học viện Tài chính là nơi đào tạo những cử nhân chuyên ngành kinh tế - tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh sứ mệnh đào tạo kiến thức, kỹ năng, Học viện cũng luôn đề cao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và sống có lý tưởng, tuân thủ pháp luật. Do đó, Bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng cho sinh viên luôn được Đảng uỷ và lãnh đạo Học viện quan tâm sát sao. Việc bồi dưỡng lý tưởng được thể hiện trong nội dung các chương trình giảng dạy và các phong trào đoàn thể.
Trong chương trình giảng dạy, các môn học thuộc khoa Lý luận chính trị, như: Chủ nghĩa Mác Lênin, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng lý tưởng cho sinh viên. Trong đó, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được xem là môn học trực tiếp giáo dục lý tưởng, niềm tin cho sinh viên về Đảng. Là một trong những môn học bắt buộc nằm trong chương trình đào tạo của năm học thứ nhất, thông qua việc giảng dạy và học tập môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh viên sẽ có cơ sở nhận thức đầy đủ, có hệ thống những tri thức lịch sử lãnh đạo, đấu tranh và cầm quyền của Đảng, bao gồm: quá trình thành lập, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Sinh viên sẽ nhận thức rõ về Đảng với tư cách một Đảng chính trị - tổ chức lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Từ đó, môn học sẽ bồi dưỡng niềm tin của sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục sâu sắc tinh thần yêu nước, ý thức niềm tự hào, tự tôn, ý chí tự cường dân tộc, kiên quyết phê phán nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Bên cạnh những nội dung giảng dạy, Học viện Tài chính đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, nhằm tăng cường việc bồi dưỡng niềm tin và lý tưởng vào Đảng. Một trong những hoạt động thiết thực và có sức lan toả lớn trong sinh viên đó là việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu. Trong đó, cuộc thi “Ánh sáng soi đường” đã liên tục được tổ chức tại Học viện. Đây là cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên sinh viên. Sinh viên không chỉ nắm vững chuyên môn kinh tế - tài chính mà còn có tư tưởng chính trị vững vàng và kiến thức lịch sử. Đây là sân chơi kiến thức về các môn Khoa học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Sử dụng hình thức đăng ký dự thi và làm bài trắc nghiệm trực tuyến trên internet, cuộc thi đã tạo ra một sân chơi trí tuệ bổ ích, hấp dẫn, có sức lan toả mạnh mẽ trong Học viện Tài Chính. Riêng trong năm 2019, chỉ sau hơn 1 tháng diễn ra cuộc thi, Học viện Tài chính đã lọt TOP 4 trường có số lượng thí sinh tham gia nhiều nhất cả nước với 5265 thí sinh, trong đó có 14 sinh viên đạt điểm tối đa là 280 điểm và nhiều sinh viên đạt trên 200 điểm.
Bên cạnh đó, cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng được Học viện Tài chính phát động và thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên. Là cuộc thi thường niên, nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong học tập cũng như rèn luyện phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua cuộc thi này, sinh viên mở rộng tầm hiểu biết của bản thân về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đoàn Thanh niên đã chủ trì triển khai cuộc thi tới tất cả các đoàn viên.
Với những kết quả đã đạt được, đã khẳng định tính hiệu quả trong giáo dục và hoạt động của Học viện Tài chính trong việc bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng vào Đảng. Trong thời gian tới, nhằm tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng của sinh viên vào Đảng có thể thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đổi mới cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn trong đoàn viên, thanh niên như: học tập trực tuyến, thi trắc nghiệm, thi tự luận trên internet, xây dựng phim ngắn, bản đồ tư duy tuyên truyền.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác giáo dục của Đoàn. Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác, mỗi cán bộ, giảng viên là một tấm gương trong việc làm theo chủ trương đường lối của Đảng với những chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử.
Ba là, chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để sinh viên tự sàng lọc, tự phòng ngừa, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá. Ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng “sức đề kháng” cho sinh viên trước sự chống phá của các thế lực thù địch; tham gia đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh văn hoá trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội.
Bốn là, coi trọng công tác cán bộ đoàn, đào tạo đội ngũ kế cận của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn tiên phong, bản lĩnh, có tinh thần đổi mới, năng động và sáng tạo. Tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện công cuộc vận động “Đoàn viên phấn đầu trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Đoàn trực tiếp rèn luyện đảng viên trẻ, cung cấp cán bộ trẻ cho Đảng.
NGUYỄN THANH QUÝ – KHOA LLCT